Khi kinh doanh cửa hàng cà phê hay trà sữa, việc định giá menu quán cafe được xem là khâu cực kỳ quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận cũng như sự tồn vong của quán.
Bạn chuẩn bị mở cửa hàng nhưng chưa biết cách định giá bán sao cho phù hợp, vừa thu được lãi mà vẫn đảm bảo chất lượng đồ uống hoàn hảo? Nếu vậy, cùng in Bimi tham khảo ngay những cách định giá bán cho cửa hàng cafe & trà sữa này nhé!
1. Tại sao bạn cần định giá bán đồ uống phù hợp?
Định giá đồ uống còn được gọi là drink cost, nói một cách đơn giản là chỉ mức giá bán đồ uống khi kinh doanh. Giá cost sẽ có sự khác nhau giữa các món và không cố định, có thể thay đổi theo thời gian.
Giá cost không chỉ là chi phí nguyên liệu đồ uống, mà còn bao gồm các khoản khác như chi phí vận hành (nhân công, mặt bằng, cơ sở vật chất…) và chi phí phát sinh khác.
Có thể nói, việc định giá cost là cả một nghệ thuật trong việc kinh doanh. Định giá hợp lý sẽ đảm bảo quán thu được lợi nhuận, không khiến khách “chạy mất dép” vì giá quá “chát”. Chưa kể nó còn mang lại nhiều lợi ích sau:
– Giúp quản lý dễ dàng các chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho quán.
– Đồ uống ngon với mức giá phù hợp sẽ thu hút khách hàng dễ hơn.
– Là cách tính lợi nhuận quán cafe hợp lý nhất
– Thuận tiện phân bố nguồn vốn hợp lý, mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
– Tạo tiền đề thuận lợi khi có nhu cầu mở rộng quy mô của quán.
– Dễ dàng nắm bắt được tình trạng kinh doanh lãi lỗ của quán nhanh chóng.
2. Các phương pháp định giá bán cho quán đồ uống
Có thể thấy tính giá bán phù hợp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các chủ quán đồ uống. Vậy có những cách định giá nào hiệu quả cho quán cà phê & trà sữa?
Thực tế, mỗi cơ sở kinh doanh sẽ có các cách cũng như công thức định giá thức uống khác nhau, tùy thuộc vào chiến lược định vị và các vấn đề liên quan khác. Nhưng nhìn chung, các chủ quán thường sử dụng các cách tính giá sau:
2.1. Cách tính cost đồ uống theo chi phí và lợi nhuận
Có thể nói, định giá menu quán cafe theo chi phí và lợi nhuận là phương án được các chủ quán café & trà sữa sử dụng nhiều nhất. Đây là cách tính giá dựa trên các chi phí bỏ ra trong quá trình kinh doanh và lợi nhuận mong muốn, gồm:
– Chi phí trực tiếp: Bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí dụng cụ, nguyên liệu trang trí đi kèm cho đồ uống,
– Chi phí vận hành: Bao gồm chi phí nhân công, chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất, chi phí quảng cáo và các loại chi phí sinh hoạt,…
– Khoản chi phí dự trù cho phát sinh: biến phí về giá nguyên vật liệu theo mùa vụ, hoạt động khuyến mãi…
– Mức lợi nhuận bạn mong muốn: Có thể xác định với từng món theo giá trị tương đối (được tính theo tỉ lệ %) và giá trị tuyệt đối (lợi nhuận so với giá vốn/món).
Sau khi đã xác định được các chi phí và con số lợi nhuận mong muốn. Bạn có thể áp dụng công thức định giá như sau: P = C + (I + V)/m + X
Trong đó:
• P: Mức giá bán trên menu
• C: Chi phí giá vốn ly nước
• I: Chi phí quản lý + vận hành + marketing
• V: Số tiền thu hồi vốn và chi phí cơ hội/lãi ngân hàng
• X: Mức lợi nhuận mong muốn
• m: Hệ số dự trù mức doanh số mà bán được trong tháng.
Ưu điểm của cách định giá cost này là đơn giản, dễ tính toán, cho ra mức giá công bằng cho cả người bán lẫn người mua. Điều này đồng nghĩa với việc cửa hàng cafe sẽ có lợi nhuận hợp lý. Và dĩ nhiên khách hàng cũng dễ chấp nhận khi biết mức lợi nhuận hợp lý của người bán.
2.2. Định giá theo đối thủ cạnh tranh
Đối với phương thức tính giá bán này, bạn sẽ định giá bán đồ uống của mình so với đối thủ trên thị trường. Bạn có thể định mức giá thấp hơn một chút hoặc ngang giá với đối thủ tùy vào chiến lược kinh doanh của mình.
Khi định giá dựa vào đối thủ, điều quan trọng là bạn cần xác định vị trí của thương hiệu mình đang nằm ở phân khúc nào. Nếu định giá cao hơn thì vì sao khách hàng sẽ lựa chọn quán bạn? Nếu định giá thấp hơn thì làm sao để chất lượng vẫn tốt nhưng vẫn mang lại lợi nhuận?
Do đó, khi áp dụng cách thức định giá menu quán cafe này, bạn cần cân đối giữa chi phí vận hành và doanh thu dự kiến để đảm bảo thu được lợi nhuận như mong muốn. Tránh tình trạng lỗ hụt do giá quá thấp hoặc không có khách do giá quá cao.
Hơn nữa, cách tính giá bán này khá phức tạp, bởi lẽ rất dễ gây ra cuộc chiến về giá giữa hai quán. Và kết quả xấu nhất là cả hai quán đều thua thiệt, chỉ có khách hàng là người hưởng lợi trong chuyện này thôi.
2.3. Cách tính cost đồ uống theo tỉ lệ vàng
Đây là cách định giá được nhiều nhà hàng, khách sạn sử dụng nhất. Bằng cách lấy giá đầu vào cơ bản của đồ uống (nguyên liệu, dụng cụ) nhân với tỉ lệ chuẩn (thường dao động trong 35%) để cho ra giá bán thực tế.
Ví dụ để làm ra một ly trà sữa Thái xanh hết 9.000đ tiền nguyên liệu và 3.000đ tiền chi phí khác (nắp, ly đựng, ống hút…). Vậy giá bán cho khách tính như sau: 9.000 + 3.000 = 12.000 => (12.000/35%) x 100% = 34.285đ, bạn có thể làm tròn lên 35.000đ.
2.4. Định giá bán theo tiêu chuẩn thực phẩm
Theo cách thức tính giá cost này, giá trị bán ra của một món đồ uống được định giá dựa trên chi phí nguyên vật liệu bỏ ra cho sản phẩm theo công thức: Giá bán sản phẩm = Chi phí nguyên vật liệu / Tỉ lệ % chi phí thực phẩm.
Ví dụ: Giá nguyên liệu của 1 ly Espresso là 10.000VND, chi phí nguyên liệu chiếm 25% thì giá bán lẻ của món Espresso sẽ = 10000/25%. Do đó, một ly Espresso sẽ bán với giá 40.000VND.
2.5. Định giá bán theo nhu cầu và khả năng chi trả
Đây là phương pháp đưa ra mức giá bán đồ uống đòi hỏi bạn phải có sự nghiên cứu tỉ mỉ đối với khách hàng của mình. Bạn cần xác định khách hàng mục tiêu là ai, họ có thể chấp nhận chi trả bao nhiêu khi mua đồ uống.
Ví dụ như khu vực mở quán cà phê, trà sữa chỉ có duy nhất quán của bạn. Hoặc quán bạn có đồ uống ngon, không gian thoáng với view đẹp mà quán khác không có thì bạn có thể tính giá bán cao, khách hàng sẽ chấp nhận.
3. Những lưu ý cần biết khi định giá bán trà sữa & cà phê
Có thể thấy việc định giá đồ uống và cách tính lợi nhuận quán cafe không phải là điều dễ dàng. Để có mức giá phù hợp, mang lại lợi nhuận tối đa cho cửa hàng mình, bạn có thể note các mẹo sau:
3.1. Sử dụng nhiều cách định giá
Nên nhớ, việc chỉ sử dụng 1 cách định giá bán cho quán có thể dẫn đến những sai lệch nhất định. Vì thế, bạn nên thử áp dụng nhiều phương thức định giá, hãy nhìn toàn diện về mọi mặt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
3.2. Ứng dụng các mẹo về giá
Nếu biết cách sắp đặt giá bán các món trên menu đôi khi cũng chính là chìa khóa tăng doanh thu hiệu quả. Không ít các chủ quán đang sử dụng chiêu thức như định giá menu nhiều số “9”.
Cụ thể, bạn có thể sử dụng giá lẻ thay cho giá chẵn. Chẳng hạn như một ly cà phê size M có giá 40.000 VND thì bạn có thể để giá 39.000 VND. Như vậy, sẽ đánh trúng tâm lý khách hàng vì có cảm giác giá rẻ hơn.
Đồng thời, khách hàng thường bị thu hút bởi các chương trình khuyến mãi. Vậy nên bạn cũng có thể lập các kế hoạch khuyến mãi vào các ngày lễ đặc biệt như giảm giá 25%, 50% hoặc mua ly size L tặng ly size S,v.v.
3.3. Thường xuyên theo dõi, điều chỉnh giá bán
Một thực tế là giá thành nguyên vật liệu sử dụng pha chế đồ uống sẽ có thể tăng theo từng thời điểm mùa vụ. Trong trường hợp giá nguyên liệu tăng cao, để tránh giảm doanh thu, bạn có thể cân nhắc tăng giá bán trà sữa, cà phê….phù hợp.
Tuy nhiên, khi có ý định tăng giá đồ uống, bạn cần thực hiện một cách khéo léo, không tăng quá cao hoặc quá nhiều lần. Đồng thời cần giải thích nguyên nhân thật khéo với khách để không làm mất điểm. Và sau khi định giá bán, chắc hẳn bạn sẽ cần đến TOP 5 phần mềm tính tiền cho quán trà sữa, cafe để thuận lợi quản lý và vận hành.
Với những cách định giá menu quán cafe và trà sữa mà chúng tôi chia sẻ trên hi vọng đã giúp bạn có thông tin hữu ích trước khi mở quán. Từ đó giúp bạn biết cách tính hợp lý và đưa ra mức giá phù hợp cho quán mình nhé!